Giai đoạn mầm non được coi là giai đoạn “vàng” trong việc giáo dục và phát triển thể chất của trẻ. Do đó, việc áp dụng các phương pháp giáo dục trẻ mầm non nổi tiếng trên thế giới tại nhà hoặc cho con theo học tại các trường quốc tế áp dụng các phương pháp này nhằm mang đến môi trường lý tưởng giúp trẻ phát triển toàn diện được rất các bậc phụ huynh quan tâm. Vậy các bậc cha mẹ đã nắm rõ được những phương pháp giáo dục này chưa?
Phương pháp giáo dục Reggio Emilia
Là 1 trong 5 phương pháp giáo dục trẻ mầm non nổi tiếng hiện nay, phương pháp giáo dục Reggio Emilia được áp dụng tại rất nhiều trong việc giáo dục trẻ mầm non tại nhà và tại các trường quốc tế.
Phương pháp Reggio Emilia được phát triển bởi nhà tâm lý học người Ý nổi tiếng Loris Malaguzzi. Phương pháp này được xây dựng dựa trên nguyên tắc “lấy trẻ làm trung tâm của việc giáo dục” và “trao quyền làm chủ cho trẻ”, tập trung tăng cường, bồi dưỡng và phát triển khả năng tư duy, sáng táo, kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ thông qua ngôn ngữ biểu đạt, khả năng nhận thức và giao tiếp hàng ngày.
Với cách thức giáo dục này, thầy cô và cha mẹ sẽ đóng vai trò là người bạn đồng hành cùng con giúp con an tâm và tự tin thể hiện bản thân. Đồng thời, việc này cũng sẽ giúp gắn kết tình cảm gia đình và mối quan hệ xung quanh của trẻ thêm khắng khít.
Phương pháp Montessori
Phương pháp giáo dục trẻ mầm non Montessori được sáng lập bởi tiến sĩ, bác sĩ người Ý Maria Montessori. Phương pháp Montessori được xây dựng với phương châm giáo dục cốt lõi là tôn trọng tất cả những điểm riêng biệt của trẻ và khuyến khích tính chủ động của trẻ trong mọi tình huống với những giáo cụ Montessori chuyên biệt. Qua đó, trẻ sẽ có cơ hội thể hiện năng lực trí tuệ, khả năng sáng tạo và phát triển tiềm năng của bản thân một cách toàn diện và tối ưu.
Thông qua 5 lĩnh vực khác nhau bao gồm lĩnh vực thực hành cuộc sống (các kỹ năng tự phục vụ và chăm sóc môi trường), lĩnh vực giác quan (các kỹ năng sử dụng 5 giác quan), lĩnh vực ngôn ngữ, lĩnh vực toán học, lĩnh vực văn hóa, trẻ sẽ tự hình thành cá tính riêng biệt của mình cũng như tính kỷ luật, tự giác.
Phương pháp giáo dục trẻ mầm non Glenn Doman
Phương pháp giáo dục trẻ mầm non Glenn Doman là phương pháp giáo dục sớm cho trẻ, được nghiên cứu và sáng lập bởi giáo sư Glenn Doman. Phương pháp này mở đầu cho xu hướng giáo dục trẻ ngay từ sớm tại nhà với việc cha mẹ sẽ đóng vai trò làm những người thầy đầu tiên của con.
Cụ thể, khi áp dụng phương pháp Glenn Doman, cha mẹ sẽ bắt đầu giáo dục con thông qua các loại thẻ (có thể là dot-card hoặc flash-card về từ vựng hoặc số đếm tương ứng với chương trình đọc viết và toán học) áp dụng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. Chính quá trình này sẽ giúp các bé có cơ hội trau dồi vốn từ, kích thích trí thông minh và khả năng sử dụng ngôn ngữ…
Phương pháp STEAM
Phương pháp STEAM là phương pháp giáo dục trẻ mầm non đã không còn quá xa lạ với nhiều bậc phụ huynh. Đây là phương pháp học được áp dụng đầu tiên tại Mỹ với khả năng cung cấp kiến thức toàn diện, đa lĩnh vực cho trẻ về 5 lĩnh vực bao gồm Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Math (Toán học). Điểm đặc biệt của phương pháp này chính là cho trẻ tiếp cận các kiến thức một cách hoàn toàn tự nhiên, tự do, không gò bó. Qua đó, giúp nâng cao hiệu suất học tập của các bé, giúp trẻ chủ động hơn trong mỗi hoạt động, kích thích sự sáng tạo và phát triển các kỹ năng mềm cần thiết.
Phương pháp Steiner
Phương pháp Steiner là phương pháp giáo dục trẻ mầm non nổi bật, được xây dựng và phát triển bởi Waldorf hay Rudolph Steiner – một nhà giáo dục và triết học người Áo.
Có phần khác biệt với các phương thức giáo dục truyền thống, phương pháp Steiner tập trung vào 3 yếu tố cơ bản của con người là suy nghĩ, cảm xúc và ý chí. Qua đó, phương pháp này thúc đẩy sự liên tưởng, hợp tác cũng như tạo ra cơ hội để các bé học tập, sáng tạo và phát triển trí tuệ thông qua các hoạt động học tập thường ngày (ví dụ như ca hát, tập đọc, vẽ tranh,….). Cũng giống như nhiều các phương pháp nổi tiếng khác, phương pháp Steiner luôn khuyến khích bé thực hành, tự trải nghiệm, vui chơi và sáng tạo theo cá tính riêng của mình.